Đừng để dự án được “vẽ” rất đẹp, nhưng không triển khai
VOV.VN - Nhà nước đang phải chi khá nhiều vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ nhưng nhiều dự án không được triển khai
Góp ý vào nội dung phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ trong Dự thảo Báo cáo Chính trị của BCH Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội Đảng khóa XII, ông Vũ Anh Tài (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng, phải xác định khoa học là luôn luôn đổi mới, thường xuyên có những đột phá để tiến lên nhưng khoa học cũng phải độc lập với chính trị, với kinh tế dù phải có tiền mới làm được khoa học. Khoa học và công nghệ là 2 mảng khác nhau nhưng có liên quan chặt chẽ với nhau. Công nghệ phát triển sẽ tạo động lực cho khoa học phát triển theo.
Thạc sĩ Vũ Anh Tài (bên trái) (Ảnh: website Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) |
Vì thế, trong phần phương hướng, nhiệm vụ để phát triển khoa học, công nghệ của dự thảo văn kiện, ông Vũ Anh Tài đề xuất bổ sung vấn đề cần phải xã hội hóa lĩnh vực công nghệ, nhằm mục tiêu công nghệ có thể đáp ứng được các yêu cầu đòi hỏi của cuộc sống. Theo ông Tài, xét một cách logic, nếu để cho công nghệ tự do phát triển, nó sẽ phát triển tốt và tạo động lực kéo mảng khoa học phát triển theo.
Ông Tài cũng cho rằng, khi đã xác định khoa học độc lập với chính trị, thì cần có cơ chế giám sát, đánh giá sự phát triển của khoa học. Cách tốt nhất để giám sát, đánh giá là phải xây dựng được kênh kết nối quốc gia nhằm tăng cường phản biện xã hội, bên cạnh đó là sự có mặt của các hội đồng thẩm định độc lập.
Ông Tài cho rằng, thực tế hiện nay Nhà nước phải chi tiêu khá nhiều tiền vào lĩnh vực khoa học công nghệ, nhưng nhiều dự án được “vẽ” rất đẹp nhưng không thấy triển khai. Sự có mặt của Bộ Khoa học - Công nghệ cùng các Sở Khoa học - Công nghệ ở các địa phương, nhưng xem ra hiệu quả việc tiêu tốn rất nhiều tiền hàng năm cho khoa học công nghệ để phát triển kinh tế xã hội đến đâu không rõ; tương tự hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội địa phương đến đâu cũng không rõ.
Do đó, việc thiết lập kênh phản biện xã hội sẽ giúp Nhà nước thấy được hiệu quả của các dự án, đề tài từ cấp bộ xuống tới cơ sở triển khai có hợp lý, có đáp ứng nhu cầu cuộc sống hay không. Ông Tài kiến nghị, để xây dựng kênh kết nối quốc gia, cần có thể chế. Theo đó, các dự án, đề tài muốn triển khai thực hiện phải được báo cáo với các đơn vị giám sát, đồng thời có cơ chế để người dân cùng tham gia giám sát, từ đó phát hiện kịp thời những sai trái hoặc hạn chế, cũng như biểu dương tính hiệu quả.
Theo ông Tài, không thể để tái diễn tình trạng đề tài của một sở, chỉ mình sở và thành viên trong sở biết, tiêu tốn vài chục tỷ là xong, còn dân không biết có đề tài như thế và có khi cũng không được hưởng những thành quả của đề tài, dự án mang lại.
“Người dân hàng ngày vẫn trồng cây, nuôi bò; nhưng kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ở khu vực Tây Bắc hay Tây Nguyên ra sao người dân không hề biết, nếu có chỉ quan chức cấp huyện trở lên, trong khi tiền bỏ ra để nghiên cứu rất nhiều”, ông Tài dẫn chứng.
“Không có kênh kết nối giữa người dân với những người thực hiện dự án, đề tài, cũng đồng nghĩa với việc không có kênh phản biện xã hội, khi đó không thể nói một cách chính xác hiệu quả của các đề tài, dự án”, ông Tài nhấn mạnh./.