“Nga công khai phản đối chương trình hạt nhân của Triều Tiên”

VOV.VN - Đại sứ Nga cho biết, nước ông không công nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân, đồng thời công khai phản đối chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Đó là tuyên bố của Đại sứ Nga tại Hàn Quốc Alexander Timonin.

Phát biểu tại một diễn đàn kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Hàn Quốc và Nga, ông Alexander Timonin cho biết điện Kremlin sẽ không bao giờ biện minh cho cả các tên lửa hạt nhân lẫn chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Vụ phóng thử tên lửa từ tàu ngầm của Triều Tiên. Ảnh: KCNA
Ông Timonin lưu ý rằng nếu Triều Tiên muốn tuyên bố quyền của một quốc gia có chủ quyền được sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, thì lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cần trước tiên thực hiện các cam kết của cha ông này. Các cam kết đó được đưa ra vào tháng 9/2005 trong tuyên bố chung về bãi bỏ chương trình hạt nhân và tuân thủ các nghị quyết của Liên Hợp Quốc cấm Bình Nhưỡng phóng các tên lửa tầm xa.

Ông Alexander Timonin cũng cho biết, trong các sự kiện ngoại giao, điện Kremlin đã thường xuyên thông báo cho ban lãnh đạo Triều Tiên về quan điểm của họ đối với chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Bình Nhưỡng và Moscow đã tăng cường đáng kể quan hệ song phương trong năm 2014. Bộ Ngoại giao Nga đã gọi năm 2015 là “Năm Hữu nghị” với Triều Tiên. Tuy nhiên, ông Kim jong-un từ chối dự Lễ duyệt binh chiến thắng phát xít vào tháng 5 ở Moscow và chưa có một cuộc gặp nào với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Nga đang theo dõi sát sao chương trình hạt nhân Triều Tiên

Trên thực tế, năm 2015 không có vẻ là một năm hữu nghị giữa đôi bên nếu như tính đến các quan ngại mới đây nhất mà Bộ Ngoại giao Nga bày tỏ về các kế hoạch của Triều Tiên muốn nối lại các chương trình hạt nhân và phóng tên lửa.

Trong một thông cáo hôm 24/9, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết điện Kremlin đã “để mắt theo dõi” và đã giám sát tình hình Triều Tiên kể từ khi nước này công bố kế hoạch phóng một tên lửa và nối lại các hoạt động tại cơ sở hạt nhân Yongbyon.

Hãng tin Yonhap dẫn lại lời bà Zakharova tuyên bố “Nga bày tỏ quan ngại về việc Triều Tiên tiếp tục theo đuổi việc phóng tên lửa và sản xuất vũ khí hạt nhân”.

Nữ phát ngôn viên Nga cũng cho biết Nga hy vọng các nước liên quan sẽ “thực hành kiềm chế và thể hiện trách nhiệm” nhằm tránh leo thang căng thẳng tình hình.

Tuy nhiên nhân viên ngoại giao này không nói rõ liệu điện Kremlin có hậu thuẫn cho việc tăng mức độ trừng phạt Triều Tiên hay không, và phải gây áp lực nào để buộc quốc gia có vũ khí hạt nhân này từ bỏ chương trình hạt nhân.

Mạng truyền hình KBS của Hàn Quốc dẫn lời bà Maria Zakharova cho biết Nga tin rằng không có “sự lựa chọn nào khác” ngoài các biện pháp ngoại giao để giải quyết vấn đề hạt nhân. “Đây là cách duy nhất để ổn định tình hình trên bán đảo Triều Tiên”.

Trung Quốc hối thúc nối lại đàm phán hạt nhân

Tuần trước Trung Quốc hối thúc tất cả các nước nào muốn chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên hãy nối lại cuộc đàm phán bị ngưng trệ 8 năm trước.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết các cuộc đàm phán đa phương với sự tham gia của Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn là cách hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Các cuộc đàm phán hạt nhân đã bị dừng lại vào năm 2007, khi Triều Tiên không cho phép quốc tế thanh tra các cơ sở hạt nhân của họ.

Triều Tiên đe dọa phát động chiến tranh hạt nhân nhằm vào Mỹ

Tuần trước, Triều Tiên tuyên bố cơ sở hạt nhân chính của nước này đang vận hành bình thường ở Yongbyon và cảnh báo rằng họ sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Mỹ bất cứ lúc nào.

Một tổ chức nghiên cứu có trụ sở ở Mỹ vào đầu năm 2015 đã kết luận rằng các hình ảnh vệ tinh cho thấy có thể nhà máy hạt nhân của Triều Tiên đã hoạt động trở lại.

Tuyên bố của Cơ quan Phát triển Vũ trụ Quốc gia Triều Tiên xuất hiện cùng thời điểm với việc Bình Nhưỡng đe dọa sử dụng các công nghệ đạn đạo đã bị cấm để phóng vệ tinh khí tượng lên quỹ đạo.

Như vậy Triều Tiên đã quay lại với hoạt động công kích Washington bằng ngôn từ quân sự. Bình Nhưỡng hay áp dụng chiêu này nhằm giành được nhượng bộ chính trị từ phía Hàn Quốc và Mỹ.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin KCNA của nhà nước Triều Tiên, người đứng đầu Viện Năng lượng Nguyên tử Triều Tiên khẳng định: “Nếu Mỹ và các thế lực thù địch cứ cố theo đuổi chính sách thù địch bất cẩn của mình thì Triều Tiên hoàn toàn sẵn sàng đương đầu với họ bằng vũ khí hạt nhân vào bất cứ thời điểm nào”.

Yongbyon là nơi mà Triều Tiên đã chế tạo các vật liệu hạt nhân dùng trong 3 vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Nhà máy này bị đóng cửa trong năm 2007 theo thỏa thuận với phía Mỹ. Tuy nhiên một số bộ phận của nhà máy này đã được khôi phục vào quãng thời gian đó./.

>> Xem thêm: Triều Tiên và lãnh tụ Kim Jong-un

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Vì sao Triều Tiên quyết giữ con bài hạt nhân?
Vì sao Triều Tiên quyết giữ con bài hạt nhân?

(VOV) - Mặc cho sức ép của quốc tế và cả Trung Quốc, Triều Tiên vẫn một mực phát triển vũ khí hạt nhân như điểm tựa sống còn.

Vì sao Triều Tiên quyết giữ con bài hạt nhân?

Vì sao Triều Tiên quyết giữ con bài hạt nhân?

(VOV) - Mặc cho sức ép của quốc tế và cả Trung Quốc, Triều Tiên vẫn một mực phát triển vũ khí hạt nhân như điểm tựa sống còn.

Trung Quốc và nỗ lực phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên
Trung Quốc và nỗ lực phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên

VOV.VN - Trung Quốc chủ trương kêu gọi các bên liên quan thiện chí hơn nữa, sớm thúc đẩy nối lại đàm phán 6 bên.

Trung Quốc và nỗ lực phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên

Trung Quốc và nỗ lực phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên

VOV.VN - Trung Quốc chủ trương kêu gọi các bên liên quan thiện chí hơn nữa, sớm thúc đẩy nối lại đàm phán 6 bên.

Triều Tiên bắn thử tên lửa đạn đạo thành công từ tàu ngầm?
Triều Tiên bắn thử tên lửa đạn đạo thành công từ tàu ngầm?

VOV.VN - "Vũ khí chiến lược đẳng cấp thế giới" là tên gọi loại tên lửa đạn đạo mới mà Triều Tiên vừa thông báo bắn thử thành công từ tàu ngầm ngày 9/5.

Triều Tiên bắn thử tên lửa đạn đạo thành công từ tàu ngầm?

Triều Tiên bắn thử tên lửa đạn đạo thành công từ tàu ngầm?

VOV.VN - "Vũ khí chiến lược đẳng cấp thế giới" là tên gọi loại tên lửa đạn đạo mới mà Triều Tiên vừa thông báo bắn thử thành công từ tàu ngầm ngày 9/5.

Bán đảo Triều Tiên lại đứng trước căng thẳng mới
Bán đảo Triều Tiên lại đứng trước căng thẳng mới

VOV.VN - Mỹ và Hàn Quốc ngày 17/9 cảnh báo sẽ gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên nếu như nước này không tuân thủ các cam kết quốc tế.

Bán đảo Triều Tiên lại đứng trước căng thẳng mới

Bán đảo Triều Tiên lại đứng trước căng thẳng mới

VOV.VN - Mỹ và Hàn Quốc ngày 17/9 cảnh báo sẽ gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên nếu như nước này không tuân thủ các cam kết quốc tế.

Hai năm cầm quyền của lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un
Hai năm cầm quyền của lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un

VOV.VN - Ông Kim Jong-un kế nhiệm cha mình trong bối cảnh đặc biệt. Hai năm qua, bán đảo Triều Tiên cũng chứng kiến nhiều biến cố và căng thẳng.

Hai năm cầm quyền của lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un

Hai năm cầm quyền của lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un

VOV.VN - Ông Kim Jong-un kế nhiệm cha mình trong bối cảnh đặc biệt. Hai năm qua, bán đảo Triều Tiên cũng chứng kiến nhiều biến cố và căng thẳng.