Thế giới 7 ngày: Triều Tiên thử bom H, Mỹ Latin chìm trong thiên tai
VOV.VN - Triều Tiên vẫn là chủ đề nóng khi nước này có vụ thử hạt nhân lần thứ 6. Ngoài ra, bão lũ, động đất ở khu vực Mỹ Latin cũng là vấn đề được quan tâm.
Hôm 3/9, Triều Tiên thông báo nước này tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 và đã thành công trong việc gắn bom nhiệt hạch (bom H) vào tên lửa. Vụ việc là bước leo thang mới nhất trong tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên suốt nhiều tháng qua. Ảnh: Getty. |
Nhật Bản và Hàn Quốc lập tức phản đối mạnh mẽ hành động của Bình Nhưỡng. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nói đây là "hành động không thể chấp nhận được" trong khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In kêu gọi quốc tế đưa ra những biện pháp trừng phạt mạnh tay nhất. Ảnh: Getty. |
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng "lời nói và hành động của Triều Tiên tiếp tục cho thấy sự thù địch và mối nguy hiểm đối với nước Mỹ". Ông Trump cũng chỉ trích Trung Quốc, đồng minh lớn nhất của Triều Tiên, khi cho rằng Bắc Kinh đã không thể gây sức ép với Bình Nhưỡng. Ảnh: New Statesman. |
Bộ Ngoại giao Nga nói lấy làm tiếc rằng giới lãnh đạo Triều Tiên đang "tạo ra mối đe dọa thực sự" tại khu vực và cảnh báo "việc tiếp tục hành động này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng". Trung Quốc cũng lên án vụ thử bom H của Bình Nhưỡng. Ảnh: New York Times. |
Đêm 7/9 (theo giờ địa phương), một trận động đất mạnh 8,2 độ Richter đã xảy ra ngoài khơi bờ biển phía Nam Mexico gây thiệt hại nghiêm trọng cho quốc gia Nam Mỹ này. Ảnh: Reuters. |
Trận động đất mạnh 8,2 độ Richter nêu trên là trận động đất mạnh nhất ghi nhận được ở Mexico trong ít nhất 100 năm qua, thậm chí còn mạnh hơn trận động đất hủy diệt năm 1985, làm trên 10.000 người thiệt mạng ở Mexico City. Ảnh: AFP/Getty. |
Theo thống kê, trận động đất đến nay đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 61 người và trên 330 người bị thương. Động đất còn gây ảnh hưởng tới ít nhất 50 triệu người tại 12 bang ở Mexico, đặc biệt là tại 2 bang miền Nam Oaxaca và Chiapas. Ảnh: AFP/Getty. |
Tổng thống Enrique Peña Nieto đã tuyên bố quốc tang 3 ngày để tưởng niệm các nạn nhân, đồng thời chỉ đạo cho các lực lượng chức năng dốc toàn lực tìm kiếm những người mất tích, ổn định cuộc sống cho người dân bị ảnh hưởng bởi động đất. Ảnh: Reuters. |
Trong lúc còn bộn bề nỗi lo sau động đất, Mexico lại phải cùng với Mỹ, Cuba đối mặt với những siêu bão đang chuẩn bị đổ bộ đất liền. Siêu bão Katia với sức gió gần tâm bão lên đến 255 km/giờ đe dọa trực tiếp hai bang Veracruz, Tamaulipas của Mexico. Ảnh: AFP/Getty. |
Nỗi lo bão lũ cũng thường trực ở Mỹ và Cuba khi bão “quái vật” Irma với sức gió 260km/h đổ bộ vào hai quốc gia này. Giới chức Cuba đã phải sơ tán hơn 1 triệu người dân trước khi siêu bão Irma đổ bộ vào một số khu vực ở miền Đông và miền Trung của nước này. Trong khi đó, hàng triệu người dân Florida, Mỹ cũng đã được yêu cầu sơ tán trong khi các lực lượng quân sự và an ninh đã sẵn sàng cho công tác ứng cứu và hỗ trợ bão. Ảnh: Dailymail. |
Với sức gió lên tới 260km/giờ, siêu bão Irma được dự cho là cơn bão mạnh nhất quét qua vùng biển Caribe trong gần 100 năm qua. Trước đó, bão Irma đã quét qua một số hòn đảo nhỏ trên biển Caribe, để lại những thiệt hại nặng nề. Ảnh: Reuters. |
Quân đội Syria ngày 5/9, tuyên bố đã phá vỡ vòng vây của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Deir ez-Zor - thành phố lớn nhất miền Đông Syria. Đây được xem là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố nói riêng và những thành lũy cuối của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria và Iraq. Ảnh: Press Service of the President of Syria. |
Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã ngay lập tức gửi lời chúc mừng và ca ngợi tới các binh sĩ phòng vệ cố thủ tại Deir ez-Zor, rằng “họ đã chứng tỏ sự kiên định, bất khuất trước tổ chức khủng bố tàn bạo nhất trên thế giới”, đồng thời cho rằng những binh sĩ quân đội phá vỡ vòng vây đã làm nên “lịch sử”. Ảnh: SANA/Reuters. |
Ngày 5/9, Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions tuyên bố bãi bỏ chương trình bảo vệ trẻ em nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ của chính quyền Obama (DACA). Trong phát biểu sau đó, Tổng thống Donald Trump khẳng định không muốn trừng phạt những trẻ em nhập cư bất hợp pháp vì hành động của cha mẹ mình, nhưng cần hành động để bảo vệ các quy định luật pháp về nhập cư. Ảnh: Japan Times. |
Ông Trump cho rằng, chương trình bảo vệ trẻ em nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ của chính quyền Obama là một chương trình vi phạm pháp luật, vi hiến; Tổng thống Obama đã vượt quyền khi ban hành sắc lệnh này; do đó việc loại bỏ là cần thiết trong quá trình cải tổ chính sách nhập cư. Ảnh: Reuters. |
Chỉ một ngày sau đó, 15 tiểu bang của Mỹ cùng đặc khu Columbia đã đệ đơn kiện quyết định của chính quyền Tổng thống Mỹ bãi bỏ chương trình DACA. Đơn kiện được đệ trình tại tòa án liên bang quận phía Đông New York nhằm bảo vệ những người được hưởng lợi ích từ chương trình DACA, ngăn chặn quyết định của Tổng thống Donald Trump và tìm cách duy trì chương trình này. Ảnh: AP. |
Trong đơn nêu rõ, việc bãi bỏ DACA thể hiện sự phân biệt đối xử đối với người nhập cư, vi phạm luật pháp liên bang. Những người đứng đầu cơ quan tư pháp các tiểu bang cũng cho rằng, thông tin của người thuộc diện hưởng DACA cung cấp cho nhà chức trách có thể chống lại họ và phục vụ cho mục đích cưỡng chế nhập cư, trong đó có việc xác định, giam giữ hoặc trục xuất. Ảnh: LA Times./. |