Thế giới 7 ngày: Nước Mỹ sắp sửa bước sang trang mới
VOV.VN - Tuần qua là những ngày cuối cùng chuyển giao quyền lực ở Mỹ, ông Obama đã đọc diễn văn từ biệt còn ông Trump đã tổ chức buổi họp báo đầu tiên.
1. Tối 10/1 tại thành phố Chicago thuộc bang Illinois, Tổng thống Barack Obama đã có bài phát biểu chia tay, chuẩn bị kết thúc hai nhiệm kỳ làm người đứng đầu nước Mỹ.
Tổng thống Barack Obama vẫy tay chào người dân trong ngày đọc diễn văn từ biệt. (ảnh: Reuters). |
Bài diễn văn của ông Obama nêu bật những thành tựu đất nước đã đạt được trong 8 năm qua và khẳng định rằng những thành quả đó là nhờ có sự đóng góp to lớn của mỗi người dân, những người đã tin tưởng vào Thay đổi, đúng như cương lĩnh mà ông đã đưa ra trong quá trình tranh cử.
Tổng thống Obama nói với người dân ông đã cam kết với Tổng thống đắc cử Trump rằng đội ngũ của ông sẽ đảm bảo sự chuyển giao êm thấm nhất có thể, cũng như Tổng thống Bush đã làm cho ông.
Ông cũng dành những lời trân trọng đối với vợ mình, các con gái, phó Tổng thống Joe Biden và đội ngũ của mình, những người đã sát cánh bên ông và làm ông tự hào trong suốt thời gian trên cương vị Tổng thống. Tổng thống Obama kêu gọi người dân Mỹ hãy vững tin vào đất nước
Tổng thống Obama rơi lệ khi đọc diễn văn cuối cùng trước khi từ nhiệm
Tiếp đó, ngày 11/1, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã có cuộc họp báo chính thức đầu tiên kể từ sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 11 năm ngoái. Bê bối can thiệp bầu cử của Nga, số phận tập đoàn Trump và một số chính sách sắp tới là những nội dung chính bao trùm cuộc họp báo lần đầu tiên này.
Trong cuộc họp báo, tổng thống đắc cử Mỹ cũng thừa nhận chính Nga đứng sau vụ tấn công mạng nhằm vào hệ thống máy tính của đảng Dân chủ và đã yêu cầu các cơ quan chức năng nước này điều tra. Toàn cảnh cuộc họp báo đầu tiên của Tổng thống đắc cử Donald Trump
Những hình ảnh ấn tượng trong cuộc họp báo đầu tiên của ông Trump
2. Trong tuần qua, khi nước Mỹ đang dần chuyển giao quyền lực sang chính quyền mới dưới sự điều hành của ông Donald Trump, thì số phận của Đạo luật Bảo vệ bệnh nhân và chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền năm 2010 (PPACA), còn gọi là Obamacare cũng đã được định đoạt.
Obamacare trước nguy cơ bị "khai tử". Ảnh: Reuters. |
Ngày 12/1, Thượng viện Mỹ đã có bước đi cụ thể đầu tiên để tiến tới bãi bỏ Obamacare sau cuộc bỏ phiếu “xuyên đêm” kéo dài từ tối 11/1 tới tận sáng sớm 12/1.
Kết quả bỏ phiếu với 51 phiếu thuận/48 phiếu chống chưa thể xóa bỏ di sản của Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama, nhưng nó đã mở đường để Hạ viện có thể bỏ phiếu bãi bỏ đạo luật chăm sóc sức khỏe gây tranh cãi này vào ngày 13/1.
Theo Reuters, việc bãi bỏ Obamacare là một trong những ưu tiên hàng đầu của các nghị sĩ đảng Cộng hòa chiếm đa số ở lưỡng viện Mỹ dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Đảng Cộng hòa đã nói rằng, quá trình bãi bỏ Obamacare có thể mất vài tháng và việc triển khai một kế hoạch thay thế có thể phải mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, họ đang chịu áp lực “ghê gớm” từ phía Tổng thống Trump buộc phải hành động nhanh chóng.
Tiếp bước Thượng viện, ngày 13/1, Hạ viện Mỹ thông qua một biện pháp khởi động tiến trình bãi bỏ Obamacare bất chấp việc chưa có phương án thay thế. Với 227 phiếu thuận và 198 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua việc yêu cầu các ủy ban soạn thảo và phải trình một dự luật khác trước ngày 27/1.
Như vậy, cả 2 viện Quốc hội Mỹ đã thúc đẩy việc bãi bỏ Obamacare bất chấp những quan ngại rằng chưa có một phương án thay thế hợp lý và nguy cơ tốn kém khi triển khai kế hoạch này. Ông Trump muốn hủy bỏ thật sớm hoặc đồng thời thay thế ngay Obamacare
3. Mối quan hệ Nga – Mỹ đang phải đối mặt với nhiều sóng gió sau hàng loạt cáo buộc mà hai nước nhằm vào nhau. Trong một động thái mới nhất được cho là càng khoét sâu thêm những hố sâu ngăn cách giữa quan hệ hai nước, truyền thông Mỹ mới đây đã cáo buộc Nga thu thập tài liệu gây tổn hại thanh danh các chính khách Mỹ trong đó có Tổng thống đắc cử Donald Trump và bà Hillary Clinton. Tuy nhiên, phía Nga ngay lập tức đã bác bỏ những tin đồn này.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Putin. (Ảnh minh họa: theproudliberal). |
Trong một tuyên bố đưa ra trước báo giới ngày 11/1, người phát ngôn điện Kemlin Dmitry Peskov nói rằng, những thông tin mà truyền thông Mỹ đưa ra hoàn toàn nhảm nhí và đó là “tin vịt”.
Ông Peskov khẳng định, điện Kremlin không thu thập thông tin gây ảnh hưởng đến uy tín của Tổng thống đắc cử Trump, những cáo buộc kiểu như thế không phù hợp với thực tế và hoàn toàn là bịa đặt.
Ông cũng bác bỏ thông tin cho rằng, ban lãnh đạo Nga có tài liệu bôi nhọ bà Clinton, đối thủ của ông Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng hồi năm ngoái. Ông Peskov đồng thời chỉ trích việc truyền thông Mỹ đưa tin như vậy hòng gây tổn hại mối quan hệ Nga-Mỹ.
Người phát ngôn điện Kremlin cũng nhấn mạnh rằng, Tổng thống Nga Putin mong muốn xây dựng quan hệ với các đối tác nước ngoài trên cơ sở lợi ích của Nga và nhân dân Nga cũng như vì hòa bình, ổn định và an ninh trên toàn thế giới.
Trước đó, ngày 9/1, chính phủ của Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama tiếp tục đưa thêm 5 nhà ngoại giao khác của Nga vào danh sách đen, trong đó có ông Alexander Bastrykin, nhà điều tra hàng đầu của Nga và là một cố vấn thân cận của Tổng thống Vladimir Putin. Theo Bộ Tài chính Mỹ, lệnh trừng phạt mới này không liên quan đến cáo buộc Nga tấn công mạng cuộc bầu cử vừa qua tại nước này mà căn cứ theo Đạo luật Magniski năm 2012 về vi phạm nhân quyền. Tương lai quan hệ Nga - Mỹ khó đoán định vì lệnh trừng phạt
4. Ngày 12/11, chính phủ Syria vừa thông báo đạt được thỏa thuận tái kiểm soát một khu vực do quân đối lập chiếm giữ gần thủ đô Damascus và khôi phục đường ống cấp nước chính cho thủ đô. Trong khi đó, Chính phủ Nga cùng ngày xác nhận, các cuộc đàm phán hòa bình giữa chính phủ Syria và các nhóm vũ trang tại nước này sẽ vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch vào ngày 23/1 tới tại Kazakhstan.
Khung cảnh hoang tàn tại một khu phố ở Baradi. (Ảnh: Wadi Barada Media Center). |
Những thông tin tích cực này đã làm gia tăng kỳ vọng về một giải pháp cho cuộc xung đột kéo dài gần 6 năm qua và cướp đi sinh mạng của hơn 310.000 người tại Syria.
Trong một thông báo, chính quyền Syria cho biết, thỏa thuận đạt được liên quan tới thung lũng Baradi, nơi đặt các đường ống cấp nước quan trọng cho Damascus và cách thủ đô chỉ khoảng 15km về phía Tây Bắc.
Ông Ahmad Houmam Haidar, một quan chức địa phương cho biết: “Các đại diện chính phủ và phe đối lập đã gặp nhau để thảo luận về một thỏa thuận hòa giải và chúng tôi đã đạt được. Thỏa thuận bao gồm việc quân đội Syria sẽ kiểm soát khu vực này và khôi phục hệ thống cấp nước chính cho thủ đô. Sau đó các thỏa thuận hòa giải sẽ bắt đầu có hiệu lực đối với tất cả các vấn đề khác như xã hội hay chính trị”. Bên trong khu vực quân đội Syria kiểm soát ở Aleppo, Syria
Nga mời chính quyền của ông Trump tham gia đàm phán Syria
5. Trong tuần qua, đợt giá lạnh hoành hành tại châu Âu đang tiếp tục gây thiệt hại về người. Tổng số nạn nhân thiệt mạng vì giá rét tại châu Âu lên đến ít nhất 65 người.
Theo thông tin từ Trung tâm an ninh quốc gia, Ba Lan, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt giá lạnh này, ghi nhận nhiệt độ xuống tới -20 độ C ở một số khu vực. Hiện Chính phủ Ba Lan đang cung cấp nơi trú ẩn tạm thời và chăn ấm cho người vô gia cư, cũng như sẵn sàng cứu hộ khẩn cấp trong đợt bão tuyết này.
Giá lạnh hoành hành tại châu Âu (Ảnh minh họa: KT). |
Ba Lan là quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh nhất tại châu Âu khi chỉ trong 3 ngày cuối tuần qua đã có tới 20 người chết do giá rét, hầu hết là do thân nhiệt giảm đột ngột, bị ngạt thở do hệ thống lò sưởi hư hỏng. Nhà chức trách Ba Lan dự báo số người tử vong có thể tăng lên vào cuối tuần, khi giá lạnh vẫn không có dấu hiệu giảm.
Ngoài ra, hàng loạt quốc gia châu Âu khác cũng đang bị bao phủ bởi thời tiết lạnh bất thường có lúc xuống đến âm 15 độ C và tuyết rơi dày ngay tại những nước thường có khí hậu ôn hòa như Italy và Hy Lạp. Tại Italy, 8 người đã chết do giá rét. Nhiều nơi ở miền Nam Italy tuyết đóng thành lớp dày 1 mét gây tê liệt hệ thống giao thông đường bộ và hàng không khi có hàng chục chuyến bay bị hủy hoặc hoãn, hàng loạt tuyến đường sắt ở nước này cũng phải ngưng hoạt động, nhiều trường học phải đóng cửa.
Đợt giá lạnh này có nguyên nhân là những khối không khí lạnh từ cực Bắc, khu vực Bắc Âu, tràn xuống châu Âu từ cuối tuần trước, đã khiến nhiều người thiệt mạng, nhất là những người vô gia cư và người nhập cư tại các quốc gia Đông Âu khác như Cộng hòa Séc, Bulgaria. Ngoài ra, Macedonia, Belarus …cũng ghi nhận có các nạn nhân của đợt giá rét này. Ảnh cuộc sống khốn khó của người di cư trong giá rét châu Âu
Giá rét tại châu Âu: Thảm kịch với những người di cư
6. Trong tuần qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bắt đầu chuyến công du cuối cùng của ông với tư cách Ngoại trưởng qua 4 nước bao gồm Việt Nam, Pháp, Anh, và Thụy Sỹ từ ngày 13-18/1.
Trong ngày 13/1, Ngoại trưởng John Kerry đã gặp gỡ các quan chức cấp cao Việt Nam để thảo luận một số vấn đề song phương và đa phương. Tiếp đó, ông Kerry sẽ thăm thành phố Hồ Chí Minh và gặp các quan chức địa phương, đồng thời có bài diễn văn về quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam.
Ngày 11/1, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã lên máy bay tại căn cứ không quân Andrews, bang Maryland (Hoa Kỳ) để đến Việt Nam. (Ảnh: Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ). |
Ngày 14/1, Ngoại trưởng John Kerry tới tỉnh Cà Mau nằm trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ông sẽ làm việc với các chuyên gia địa phương về các vấn đề môi trường đang gây ảnh hưởng tới khu vực và cách thức Mỹ có thể hợp tác với Việt Nam để phát triển năng lượng sạch, phát triển hạ tầng bền vững, quản trị nước thông minh và quản lý tài nguyên, hệ sinh thái.
Ngoại trưởng John Kerry sau đó tới Paris ngày 15/1 để tham dự hội nghị hòa bình Trung Đông do Tổng thống Pháp Francois Hollande chủ trì. Trong ngày 16/1, Ngoại trưởng Kerry sẽ tới London để gặp Ngoại trưởng Boris Johnson. Cả hai sẽ thảo luận tình hình Syria và các vấn để khu vực và toàn cầu khác.
Hai ngày cuối cùng 17 và 18/1, Ngoại trưởng Kerry sẽ tham dự phiên họp thường niên của Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sỹ. Đây là một trong những diễn đàn tập trung lớn nhất các nhà lãnh đạo thế giới về chính trị, thương mại và tổ chức dân sự. Ngoại trưởng Kerry sẽ là diễn giả trong buổi thảo luận về ngoại giao trong thế kỷ 21. Ngoại trưởng Kerry du ngoạn sông nước Cà Mau
Hình ảnh ông Kerry thăm Việt Nam lần cuối trên cương vị Ngoại trưởng
7. Ủy ban đặc biệt của Quốc hội Hàn Quốc hôm 9/1 tổ chức phiên điều trần cuối cùng liên quan đến vụ bê bối chính trị của Tổng thổng Park Geun-hye. Ủy ban đặc biệt của Quốc hội Hàn Quốc đã triệu tập 20 nhân vật liên quan đến bê bối chính trị của Tổng thổng Park Geun-hye và người bạn thân của bà là Choi Sun Sil. Tuy nhiên, chỉ có giáo sư của trường Đại học Phụ nữ Ewha và cựu lãnh đạo của Quỹ K-Sports do bà là Choi Sun Sil quản lý là có mặt.
Tổng thống Park Geun-hye. (Ảnh: Reuters). |
Hầu hết các đối tượng chủ chốt, trong đó có Bộ trưởng văn hóa, thể thao và du lịch Cho Yoon-sun, cựu thư ký cấp cao của Tổng thống Park Geun-hye là ông Woo Byung-woo và cựu Hiệu trưởng trường Đại học Phụ nữ Ewha Choi Kyung-hee đều vắng mặt vì lý do cá nhân.
Tại phiên điều trần lần này, Ủy ban đặc biệt của Quốc hội Hàn Quốc cũng thông qua đề xuất kéo dài nhiệm vụ thêm một tháng. Nhiệm vụ hiện nay của ủy ban sẽ kết thúc vào ngày 15/1 tới đây. Tuy nhiên, đề xuất này cần được thông qua tại phiên họp toàn thể của quốc hội.
Trong khi đó, ông Ban Ki-moon hôm 12/1 đã trở về Hàn Quốc sau khi kết thúc 10 năm trên cương vị Tổng Thư kí Liên Hợp Quốc. Phát biểu ngay sau khi đặt chân đến sân bay thủ đô Seoul, ông Ban Ki-moon cho biết sẽ sớm đưa ra quyết định về sự nghiệp chính trị tương lai của mình, trong bối cảnh có nhiều mong đợi ông sẽ tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới tại Hàn Quốc./. Ông Ban Ki-moon là ứng viên Tổng thống ưa thích thứ 2 tại Hàn Quốc