Giải pháp nào cho thủy lợi "khổng lồ" Ia Mơr?
VOV.VN -Chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tạo ra vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, phát huy giá trị sử dụng hồ thủy lợi Ia Mơr là mong ước của người dân.
Không thể để công trình thủy lợi trọng điểm quốc gia Ia Mơr với nguồn vốn gần 3.000 tỷ đồng lãng phí, đó là quan điểm chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong buổi làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai vào ngày 16/9 vừa qua.
Hồ thuỷ lợi Ia Mơr |
Người dân địa phương mong muốn, để phát huy giá trị sử dụng hồ thủy lợi Ia Mơr cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng nghèo kiệt thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung.
Tìm phương án tháo gỡ
Chỉ 5 ngày sau buổi làm việc của Đoàn công tác Chính phủ với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai, ngày 21/6, Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp làm trưởng đoàn theo chỉ đạo của Chính phủ đã phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai trực tiếp kiểm tra công trình thủy lợi Ia Mơr tại xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai.
Không thể để công trình thủy lợi trọng điểm quốc gia Ia Mơ với nguồn vốn gần 3.000 tỷ đồng lãng phí, đó là quan điểm chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong buổi làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai vào ngày 16/9 vừa qua. |
Trước hết, theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, tỉnh Gia Lai phải cùng với đoàn công tác của Bộ NN&PTNT phải khảo sát lại toàn bộ hiện trạng của gần 8.000ha này.
“Tại thời điểm nghiên cứu năm 2010 và trước đó nữa, hiện trạng của khu này là rừng nghèo kiệt, chủ yếu là rừng khộp nên là đã đồng ý chuyển đổi. Nhưng bây giờ qua hơn chục năm có thể là đã thay đổi. Sau khi điều tra, tỉnh sẽ trình một dự án tổng thể, trong đó nói rõ chuyển đổi như thế nào, chuyển đổi làm gì, phải có bản quy hoạch sử dụng đất cụ thể. Lúc đó, căn cứ vào đề án cụ thể đấy, chúng tôi cùng các bộ ngành liên quan sẽ trình Chính phủ...”, ông Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.
Người dân địa phương mong muốn, để phát huy giá trị sử dụng hồ thủy lợi Ia Mơr cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng nghèo kiệt thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. |
Để phát huy hiệu quả sử dụng của công trình thủy lợi trọng điểm quốc gia Ia Mơr, ngoài việc tạo vùng tưới như quy hoạch ban đầu gần như không còn cách nào khác. Có nghĩa là cần chuyển đổi 8.000 ha đất rừng nghèo kiệt theo quy hoạch sang sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT cho rằng cần triển khai từng bước, không nên làm ồ ạt, tránh gây bức xúc trong xã hội vì liên quan đến tài nguyên rừng.
“Chúng tôi đề nghị, tỉnh có kế hoạch, phương án để báo cáo với trung ương, các bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ để chỉ đạo, nhưng nói rõ những khu chuyển đổi để làm gì và có tiến độ, không nhất thiết một lúc tuyên bố khai hoang trắng 8.000ha mà chưa sử dụng được thì rất nguy hiểm, tạo bức xúc trong xã hội. Nên làm đến đâu thì cuốn chiếu đến đó, có tiến độ”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn khẳng định.
Chính phủ, các Bộ-ngành cần vào cuộc
Chủ trương là như vậy nhưng chuyển đổi 8.000 ha đất rừng sang sản xuất nông nghiệp cần thực hiện đúng quy trình pháp luật hiện hành. Ông Vũ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho rằng: Để chuyển đổi số diện tích rừng lên tới 8.000 ha sang sản xuất nông nghiệp cần phải có 1 đề án cụ thể. Trong đó phải phân tích, đánh giá tác động môi trường đảm bảo theo đúng quy định.
Chủ trương là như vậy nhưng chuyển đổi 8.000 ha đất rừng sang sản xuất nông nghiệp cần thực hiện đúng quy trình pháp luật hiện hành. |
“Nhiều lần Đại biểu Quốc hội cũng phát biểu mãnh liệt vấn đề này, do đó để thống nhất cao, các thành viên, các Bộ ngành tham mưu cho Thủ tướng đề nghị tỉnh có một đề án rất cụ thể, phân tích đánh giá, kể cả tác động môi trường, tác động đến rừng, đất rừng. Thêm khó nữa là khi phê duyệt kế hoạch sử dụng đất 2016-2020 của tỉnh thì chưa đưa vào, chưa được Thủ tướng phê duyệt. Bây giờ để chuyển đổi thì phải phê duyệt điều chỉnh thì đương nhiên phải qua Thường trực Chính phủ phê duyệt cho phép điều chỉnh với các căn cứ liên quan”, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Vũ Tuấn Nhân nói.
Với các quy định của pháp luật hiện hành, chuyển đổi 8.000 ha đất lâm nghiệp sang mục đích sản xuất nông nghiệp là việc rất khó khăn, liên quan đến nhiều Bộ - Ngành, phải có một đề án đảm bảo tính khoa học, cụ thể và thẩm quyền quyết định thuộc về Quốc hội. Chính vì vậy, không chỉ 1 mình UBND tỉnh Gia Lai hay Bộ - Ngành nào có thể làm được mà cần có sự phối hợp của cả Chính phủ.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai và các Bộ - Ngành xây dựng báo cáo trình Thủ tướng, Thường trực Chính phủ về nội dung này. Trên cơ sở đó Chính phủ sẽ tổ chức cuộc họp chuyên đề mới có thể giải quyết được.
Đoàn công tác Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp kiểm tra thực địa cây rừng và công trình mới đây |
“Về công trình thủy lợi Ia Mơr, huyện Chư Prông thì giao cho Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp với tỉnh báo cáo chi tiết việc này, và phối hợp với Bộ TN&MT, các bộ ngành có liên quan để báo cáo Thủ tướng, Thường trực chính phủ. Cũng phải họp để có quyết sách, chứ từng bộ một cũng không giải quyết được. Phải có cuộc họp chuyên đề về vấn đề này...”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Tiến thoái lưỡng nan
Chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tạo ra vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, phát huy giá trị sử dụng của công trình thủy lợi Ia Mơr là mong ước của toàn bộ người dân địa phương lúc này.
Anh Nguyễn Văn Trưởng, từ vùng quy nghèo Thanh Hóa theo lời kêu gọi của chương trình xây dựng “làng thanh niên lập nghiệp” đã tới xã Ia Mơr định cư với hy vọng công trình thủy lợi Ia Mơr sẽ đem lai cuộc sống mới cho người dân nơi đây cũng như những người đi xây dựng kinh tế mới, bảo vệ vùng biên như anh, nhưng sau hơn chục năm chờ đợi công trình hoàn thành thì bây giờ vẫn tiếp tục là... chờ đợi.
“Chủ trương đưa thanh niên lập nghiệp đến vùng biên giới xã Ia Mơr là một chủ trương đúng đắn. Nhưng số thanh niên quanh khu vực xã Ia Mơr thiếu đất sản xuất rất nhiều. Diện tích gia đình tôi sử dụng vào nông nghiệp không đủ trang trải cho nhu cầu. Chuyển đổi những diện tích kia cùng với công trình thủy lợi được đưa vào sử dụng mới hy vọng cuộc sống khấm khá hơn”, anh Trưởng tha thiết đề nghị.
Cùng diễn biến, nếu 8.000 ha rừng khộp nghèo kiệt này không thể chuyển đổi sang mục đích sản xuất nông nghiệp khi không đảm bảo các yếu tố về đánh giá tác động môi trường và các vấn đề liên quan.
Hoặc trong 8.000 ha này chỉ có thể chuyển đổi được 1 phần nhỏ sang sản xuất nông nghiệp thì cũng đồng nghĩa với việc lãng phí nguồn nước tưới từ hồ thủy lợi Ia Mơr và đương nhiên cũng đồng nghĩa với việc lãng phí nguồn lực gần 3.000 tỷ đồng xây dựng hồ thủy lợi này.
Tiến thoái lưỡng nan, trách nhiệm của Bộ NN&PTNT, các đơn vị liên quan sẽ phải xem xét như thế nào khi đã phê duyệt dự án và để xảy ra tình trạng không thể tháo gỡ này?! ./.