Gia đình sao nhãng dạy trẻ làm người?
VOV.VN - Nhiều bậc phụ huynh do mải làm ăn, chỉ quan tâm tới nuôi dưỡng trẻ, mà sao nhãng việc quan trọng là dạy trẻ làm người.
LTS: Trong nhiều thập kỷ qua, nền giáo dục Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, nền giáo dục nước nhà đã và đang bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập.
Một trong những bất cập đó là việc dạy đạo đức cho học sinh đang bị coi nhẹ trong các trường học. Không phải ngẫu nhiên, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan lại đích thân làm Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu về việc dạy đạo đức trong trường học. Phó Chủ tịch nước nhận định: “Việc đào tạo, giáo dục đạo đức cho học sinh không được coi trọng. Ngay môn học đạo đức công dân cũng bị coi nhẹ vì cho rằng đây không phải là môn thi cử”.
Và mới đây, tại một Hội nghị góp ý chấn hưng giáo dục, nhiều chuyên gia hàng đầu về giáo dục đã phải thốt lên “Nhân cách học đường rất đáng lo ngại”.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt và sâu sắc cho nền giáo dục nước nhà. Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc của mình, Người đã căn dặn “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Trồng người ở đây nghĩa là phải giáo dục, đào tạo được những con người có cả đức và tài, nhưng chữ đức luôn được Người đặt lên trước, coi là cái gốc, là nhân tố quan trọng hàng đầu trong mỗi con người.
Mong muốn này cũng là trăn trở của Đảng, Nhà nước và mỗi người dân để làm sao đưa nền giáo dục nước nhà ra khỏi tình trạng yếu kém, bất cập hiện nay, để con em chúng ta được học tập, rèn luyện trở thành chủ nhân của đất nước, thành những con người có đạo đức, kiến thức, sống có ích cho gia đình và xã hội.
Vì vậy, đã đến lúc, cần phải có giải pháp mạnh để khắc phục những yếu kém, bất cập hiện nay trong giáo dục, đào tạo, nhất là trong việc “trồng người” đối với các thế hệ học sinh ngay từ cấp học đầu tiên. VOV online xin giới thiệu loạt bài viết về vấn đề này với chủ đề: “Đạo đức học đường: Không thể xem nhẹ”
Bài 1: Cha mẹ sao nhãng dạy trẻ làm người?
Bài 2: Giáo dục nhân cách học đường bị xem nhẹ
Bài 3: Rèn đạo đức: Trông người mà ngẫm đến ta
Bài 4: Đạo đức học đường: Nhất định phải thay đổi!
Tá hỏa vì con có thói “cầm nhầm”
Có cô con gái lớn năm nay vào lớp 2, vợ chồng chị Phạm Tuyết Mai (huyện Nông Cống, Thanh Hóa) ngay từ đầu đã quán triệt tinh thần chu cấp cho cô bé không thiếu thứ gì.
Một hôm, vừa đi làm về, chưa kịp gạt chân chống để dựng chiếc xe máy thì chị Mai nghe tiếng bà Quế - hàng xóm, chạy sang rỉ tai: “Xem mà dạy lại con bé Bống (con gái chị Mai – PV), nó có dấu hiệu ăn cắp vặt đấy”.
Để đảm bảo việc giáo dục cho học sinh đạt hiệu quả, thì việc kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội là cần thiết |
Nghe đến đây, chị Mai tối sầm mặt mũi. Bực tức, chị cãi lại lời bà Quế vì bà đã vu oan cho con gái mình. Chị cho rằng những lời lẽ kia là bịa đặt vì gia đình chị chẳng thiếu thứ gì, bé Bống đầy đủ hơn chúng bạn, có đồ chơi gì mới ngoài thị trường thì bé Bống cũng có đầu tiên. Ác cảm từ những lời vu oan của bà hàng xóm, khiến từ đấy chị Mai ghét bà Quế ra mặt.
Cho đến một ngày chị dắt con qua nhà họ hàng chơi. Chuẩn bị ra về, chị choáng váng khi nhìn thấy bé Bống nhanh như cắt cho mấy mảnh ghép đồ chơi logo vào túi áo, sau đó lủi ra đằng sau chờ mẹ để ra về. Quan sát thấy mọi người không để ý, chị lừ mắt, ra hiệu cho con đem đồ trả về vị trí cũ. Lúc này bé Bống mới lầm lũi làm theo ý mẹ.
Giận con tím mặt, trong bữa cơm chiều, chị đem câu chuyện chì chiết với chồng, rồi quay sang lớn tiếng với con: “Hóa ra là lần trước con còn lấy trộm đồ nhà bà Quế? Mẹ có bao giờ dạy con như thế không? Con làm thế này thì mẹ còn mặt mũi nào mà nhìn bà Quế nữa”. Nghe đến đây, vừa giận con, vừa giận vợ, anh chồng sẵng giọng quát lớn: “Cũng tại cô cả. Có mỗi chuyện dạy dỗ con cũng không xong, nên giờ nó mới mất nết thế này”.
Thấy bố mẹ cãi nhau, bé Bống khóc ré lên: “Bố mẹ ai cũng bận cả, không ai chịu chơi với con. Con không yêu bố mẹ nữa”, rồi chạy vào phòng, đóng sập cửa lại trước vẻ mặt ngơ ngác của vợ chồng chị.
Tìm hiểu mới biết, vì mải làm kinh tế nên vợ chồng anh chị phó thác hết việc dạy dỗ cho nhà trường, tin tưởng tuyệt đối vào môi trường giáo dục mà quên đi trách nhiệm uốn nắn, sửa chữa, chia sẻ, động viên hàng ngày của cha mẹ.
Cô Vũ Thị Quyên, trường Tiểu học Chi Lăng, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn cho rằng: Việc trẻ em “chây ì”, sống ích kỷ có nhiều nguyên nhân từ phía gia đình |
Cha mẹ - người bạn lớn của con
Từ bao đời nay, gia đình luôn được coi là một trong những giá trị quan trọng trong quá trình phát triển của nhân loại. Bởi gia đình là tế bào của xã hội, là nơi hình thành và hoàn thiện nhân cách của mỗi cá nhân. Thế nhưng, trong xã hội hiện đại vai trò của giáo dục gia đình dường như đang bị lãng quên bởi nhiều nguyên nhân. Nhiều bậc phụ huynh không đủ kiến thức, thời gian và lòng kiên nhẫn để dạy con, phó mặc con cho nhà trường, thậm chí cho xã hội. Họ mải mê làm ăn với hy vọng có thật nhiều tiền bạc để cung cấp cho con một cuộc sống vật chất đầy đủ. Họ thật sự là những ông bố, bà mẹ lo cho con cái, song chưa phải là những cha mẹ thông minh bởi họ mới chỉ quan tâm tới phần nuôi dưỡng, mà chưa thực sự để ý tới phần dạy con làm người. Nhiều phụ huynh vẫn còn tư tưởng cho rằng môn học Đạo đức-Giáo dục công dân trong nhà trường chỉ là môn học phụ, nên chỉ coi trọng những môn văn hóa liên quan tới khối học, ngành học sau này.
Với mong muốn không để con thua kém bạn bè, nên chị Nguyễn Thị Hồng (phố Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) rất chú trọng rèn cặp cho con chuyện học hành. Chuẩn bị lên lớp 6, nhưng lịch học của Kiều Oanh (con gái chị Hồng) chỉ tập trung chủ yếu ba môn Văn, Toán và Ngoại ngữ. Ngoài thời gian trên lớp, chị còn cho con đi học thêm ở ngoài để nâng cao thêm kiến thức.
Chị Hồng thành thực: “Vợ chồng tôi bận tối ngày, nên cũng không có nhiều thời gian để ý đến con. Ở nhà, tôi cũng chỉ quan tâm tới việc học các môn chính như Văn, Toán, Ngoại ngữ, hướng cho con học theo khối thi sau này, còn những môn phụ như môn Đạo đức hay Giáo dục công dân thì phó thác hoàn toàn vào nhà trường”.
Với suy nghĩ phiến diện của mẹ, khiến bé Kiều Oanh tỏ ra hờ hững, thiếu nghiêm túc đối với môn học làm người. Chính vì vậy mà trong lịch học của bé ở nhà tuyệt nhiên không có môn Đạo đức. Bé chủ yếu học vẹt, học tủ nhằm đối phó với giáo viên.
Bố mẹ bận làm, con cái bận học, nên chỉ có mấy tiếng đồng hồ vào buổi tối cả gia đình mới tụ họp cùng nhau. Trong thời gian ít ỏi này, chị Hồng cũng chỉ hỏi han con về việc học hành, điểm số trên lớp mà ít khi hướng dẫn con tới những điều nhỏ nhặt mà cần thiết trong cuộc sống. Mặc dù đã 12 tuổi, nhưng bé Oanh vẫn chưa biết tự cầm chổi để quét nhà, nhiều khi ăn cơm cũng “quên” không mời người lớn…
Sau một thời gian bố mẹ ép học nhiều, Kiều Oanh đâm mệt mỏi, buồn bực, thậm chí có những biểu hiện lầm lì, rồi quay sang quát nạt cả em gái nhỏ, khiến không ít lần chị Hồng trở thành trọng tài bất đắc dĩ phân xử hai chị em.
Hoàn cảnh tương tự, có con đang học lớp 4, anh Nguyễn Xuân Lâm (phố Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay, thời gian bố mẹ gần con quá ít, tâm lý con thế nào có khi còn không biết hoặc nắm bắt chưa đầy đủ. Việc dạy con giao hẳn cho thầy cô, ông bà ở nhà, rồi theo dõi bằng cách thường xuyên gọi điện cho cô giáo hỏi han tình hình các cháu. Khi con làm gì sai, anh răn "con không ngoan, học không giỏi là bố phạt".
Anh Lâm còn tự tin: “Con hư ở đâu thì hư, về nhà ngoan ngoãn với bố mẹ, ông bà là được. Không thấy cô giáo nhắc nhở, phàn nàn, lại thấy con vẫn học tập tốt là tôi tự cho phép bản thân mình yên tâm”.
Cô Phan Thị Sơn - giáo viên dạy Giáo dục công dân, trường THPT chuyên Lương Văn Tụy, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình |
Cô Phan Thị Sơn, giáo viên dạy Giáo dục công dân, trường THPT chuyên Lương Văn Tụy, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình cho biết, hiện nay có nhiều trẻ đi học về không chào ông bà, cha mẹ; đến giờ học bài thì không tự giác ngồi vào bàn học mà phải đợi đến đến khi bố mẹ nhắc nhở thì mới học. Nhiều em 7-8 tuổi nhưng ăn còn vương vãi, không tự xúc hoặc không biết mặc quần áo, tự làm được những việc đơn giản. Một số học sinh Tiểu học có những hành vi sai trái như: đánh nhau, chửi thầy cô giáo, trấn lột, lục đồ của giáo viên, ăn cắp đồ, bắt nạt học sinh lớp bé... “Đó là những việc làm, hành vi đang đánh mất khả năng tự chủ, gây nên những thói quen và đức tính xấu của học sinh do gia đình không quan tâm đến việc rèn luyện đạo đức, nhân cách cho trẻ từ khi còn nhỏ”.
Cô Vũ Thị Oanh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hà Nội cũng nhận định, hiện nay, khi xã hội phát triển, cuộc sống của người dân ngày một nâng cao, nhiều gia đình có kinh tế khá giả đã không tiếc tiền chăm lo cho con ăn học, thậm chí chiều theo mọi ý muốn của con. Điều này dẫn đến việc các em chỉ biết hưởng thụ mà không biết được giá trị của những thứ mình đang được hưởng là do đâu, nên sẽ hình thành bản tính ích kỷ. Nhiều em chỉ biết người khác phục vụ mình chứ không bao giờ nghĩ là mình phải phấn đấu, rèn luyện vì bản thân và người khác.
Còn cô giáo Vũ Thị Quyên, trường Tiểu học Chi Lăng, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn cho rằng: Việc trẻ em chây ì, sống ích kỷ có nhiều nguyên nhân từ phía gia đình. Nhiều phụ huynh chỉ quan tâm đến kiến thức, trình độ văn hóa mà ít quan tâm đến việc rèn luyện đạo đức, lối sống cho con. Họ cho rằng, môn học đạo đức ở trường chỉ là môn học phụ và phó mặc việc rèn luyện nhân cách của con cho giáo viên.
Giáo dục con cái rất quan trọng nhưng để tìm được phương pháp dạy hợp lý thì lại là cả vấn đề. Trên thực tế, các bậc phụ huynh đang rất lúng túng trong việc dạy con. Một phần vì không có thời gian, phần khác suy nghĩ dạy con đã giao nhà trường lo và số đông thì loay hoay chưa tìm cách dạy hợp lý./.