Góp ý ĐH Đảng XII: Công tác nghiên cứu KHCN vẫn nặng tính “hô hào”?
VOV.VN - Theo các chuyên gia, công tác nghiên cứu và phát triển vẫn chỉ là những hoạt động mang tính hô hào nhưng thực chất lại chỉ là thêm thắt, không có chiến lược, bài bản
Trong những năm qua, Đảng và Chính phủ luôn coi khoa học công nghệ có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội thể hiện qua việc ban hành nhiều Nghị quyết liên quan đến khoa học và công nghệ, nhưng thực tế việc ứng dụng khoa học công nghệ trong thời gian qua chưa đáp ứng được các yêu cầu đặt ra.
Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cũng nhận định: “Khoa học, công nghệ chưa thực sự gắn kết và trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Việc huy động nguồn lực của xã hội cho khoa học, công nghệ chưa được chú trọng. Không hoàn thành mục tiêu xây dựng các trung tâm khoa học lớn đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, có tác động thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đầu tư cho khoa học, công nghệ còn thấp, hiệu quả sử dụng chưa cao. Cơ chế quản lý khoa học, công nghệ chậm đổi mới. Thị trường khoa học và công nghệ phát triển chậm. Công tác quy hoạch, phát triển khoa học, công nghệ chưa gắn kết chặt chẽ với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ còn thiếu định hướng chiến lược, hiệu quả thấp”.
Công tác nghiên cứu KHCN nặng tính “hô hào”
GS.TS Phan Hồng Khôi, Trung tâm Phát triển Công nghệ cao cho rằng, trước hết, cần ghi nhận là Đảng ta từ trước đến nay đều luôn quan tâm đến vai trò của khoa học và công nghệ, đặt “khoa học và công nghệ là then chốt” hay trong sự nghiệp xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc. Tuỳ theo từng thời kỳ, Đảng đã có những chính sách, giải pháp phù hợp, cụ thể để không chỉ huy động các nhà khoa học trực tiếp tham gia đóng góp trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và xây dựng nền khoa học Việt Nam, được nhà nước và nhân dân ghi nhận.
(ảnh minh họa- KT) |
“Nội lực khoa học công nghệ ở hầu hết các đơn vị còn yếu kém, manh mún. Công tác nghiên cứu và phát triển vẫn chỉ là những hoạt động mang tính hô hào nhưng thực chất lại chỉ là thêm thắt, không có chiến lược, bài bản. Một phần nguyên nhân của hiện tượng này ở các cơ sở công lập xuất phát từ tư duy nhiệm kỳ, được chăng hay chớ”- PGS.TS Lê Hồng Khiêm nhận xét.
Phương tiện nghiên cứu phục vụ khoa học công nghệ còn hạn chế, đầu tư cho khoa học công nghệ còn hạn hẹp. Nhiều phòng thí nghiệm và đơn vị nghiên cứu-phát triển còn chồng chéo. Phần lớn những phòng thí nghiệm và các đơn vị nghiên cứu này không đạt qui mô cần thiết, thiếu nguồn lực như vốn, nhân sự, hạ tầng và chưa gần với người sử dụng cuối cùng. Muốn giải quyết hiệu quả những vấn đề này, cần có tầm nhìn chiến lược rõ ràng về phân công nhiệm vụ giữa các trường đại học và các viện nghiên cứu chuyên nghành.
Cần liên tục dẹp những đơn vị không hiệu quả
Làm thế nào để phát huy vai trò của khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế-xã hội, động lực then chốt của quá trình phát triển nhanh và bền vững đất nước, biến các nội dung về phát triển khoa học và công nghệ trong các Nghị quyết của Đảng và Chính phủ thành hiện thực? Đây là vấn đề rất lớn và để tìm ra lời giải, cần có sự đầu tư nhân lực một cách nghiêm túc.
PGS.TS Lê Hồng Khiêm cho rằng, vấn đề đầu tiên các cơ quan quản lý cần xây dựng các tiêu chí minh bạch và định lượng để đánh giá để đánh giá hiệu quả việc nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ của các cơ sở nghiên cứu và các trường đại học hưởng ngân sách nhà nước. Cần phải liên tục dẹp bỏ hoặc tổ chức lại những đơn vị nghiên cứu ứng dụng triển khai không hiệu quả dựa trên các tiêu chí đánh giá định lượng.
GS.TS Phan Hồng Khôi, Trung tâm Phát triển Công nghệ cao cũng nhận định, ngoài việc “đổi mới cơ chế quản lý, nhất là cơ chế tự chủ về tài chính, tổ chức và hoạt động của tổ chức khoa học, công nghệ công lập, hoàn thiện thể chế định giá tài sản trí tuệ, tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, xử lý nghiêm các vi phạm” và các điểm khác trình bày trong Dự thảo, cần bổ sung: Xây dựng các chỉ tiêu đánh giá và theo phân cấp thực hiện đánh giá định kỳ hiệu quả của các cá nhân và các tổ chức hoạt động khoa học công nghệ; Kết quả đánh giá sẽ là một trong các thành tố quan trọng để có quyết định mức đầu tư thích hợp.
PGS. TS. Phan Ngọc Minh, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng cho rằng, một trong những vấn đề cốt lõi để phát triển Khoa học và Công nghệ là KHCN cần được đầu tư đủ, bằng mức của các nước tiên tiến trong khu vực. Đầu tư cho KHCN đảm bảo hiệu quả, không dàn trải, tạo được môi trường hoạt động KHCN theo chuẩn mực quốc tế. Đặc biệt quan trọng là phải phát huy mạnh mẽ nguồn đầu tư từ xã hội và doanh nghiệp cho hoạt động khoa học và công nghệ.
Cùng với đó, xây dựng được cơ chế quản lý, tổ chức và hoạt động KHCN hiệu quả, theo chuẩn mực của thế giới. Khoa học và công nghệ cần được gắn chặt với yêu cầu thực tế của đất nước. Tổ chức KHCN cần được rà soát, đổi mới, tái cơ cấu đảm bảo phát huy hiệu quả được nguồn lực KHCN.
Có chính sách thu, đãi ngộ cán bộ KHCN
Thành công của việc nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của nguồn nhân lực khoa học công nghệ. Nguồn này được chọn từ các sinh viên được đào tạo ở các trường đại học. Vì vậy, muốn có chất lượng lao động khoa học công nghệ tốt, cần phải nâng cao chất lượng đào tạo đại học. Chất lượng của sinh viên phụ thuộc rất lớn vào chất lượng của giảng viên.
“Không có thầy tốt thì sẽ không thể có trò tốt. Do đó phải có các tiêu chí định lượng đánh giá chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học của các giảng viên ở bậc đại học. Ở các nước phát triển, yêu cầu nghiên cứu khoa học của giảng viên đại học là yêu cầu bắt buộc. Giảng viên đại học không tham gia nghiên cứu khoa học sẽ bị xem là không có kiến thức và sẽ bị đào thải. Đòi hỏi này sẽ là động lực để các giảng viên ở bậc đại học phải tìm các nhóm nghiên cứu thích hợp với chuyên môn của mình để hợp tác nghiên cứu ứng dụng”- ông Lê Hồng Khiêm nói.
PGS. TS. Phan Ngọc Minh cũng nhấn mạnh, xây dựng tiềm lực con người, trọng dụng đãi ngộ nhân tài làm KHCN là vấn đề quan trọng. Xây dựng được đội ngũ cán bộ KHCN đủ mạnh để đáp ứng các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh của đất nước. Đội ngũ cán bộ KHCN không chỉ ở các viện nghiên cứu, các trường đại học, mà phải ở cả các tổ chức sản xuất, các doanh nghiệp “Muốn vậy, chính sách đãi ngộ thoả đáng cho cán bộ KHCN là rất quan trọng. Có chính sách thu hút cán bộ trẻ và giỏi, đãi ngộ cán bộ KHCN đủ tốt hơn so với các ngành nghề khác trong xã hội để thu hút nhân tài cho KHCN”- PGS.TS Phan Ngọc Minh đề xuất.
GS.TS Phan Hồng Khôi cũng cho rằng, giải pháp thu hút cán bộ giỏi cho KHCN hết sức quan trọng, nhưng phải được cụ thể hoá, vì nếu không cụ thể, rõ ràng và không có quyết sách từ lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng và nhà nước thì không thể thực hiện được.
“Trên thực tiễn, một số giải pháp được đưa ra bao gồm cả chế độ lương bổng, khen thưởng, đãi ngộ, nhưng do luật định và các quy định hiện hành của nhà nước, sẽ gặp rất nhiều trở ngại và nhiều khi không thể triển khai thực hiện. Vì vậy hiện nay, việc thu hút các nhà khoa học học là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài, đặc biệt các nhà khoa học trẻ được nhà nước cấp kinh phí hoặc tự túc đi đào tạo ở nước ngoài về làm việc rất khó khăn”- GS.TS Phan Hồng Khôi trăn trở./.