Gửi nỗi nhớ qua muôn trùng sóng

Cứ đến gần Tết, những người vợ lính hải quân lại mong ngóng tin tức của chồng - “Không biết Tết này, anh có được về với mẹ con em?”.

Ngọn hải đăng thầm lặng

Chúng tôi đến thăm chị Trần Thị Dung (thôn Lai Tảo, xã Bột Xuyên, Mỹ Đức, Hà Nội) vào một ngày cuối năm xao xác gió. Con đường dẫn vào thôn với những hàng tre lao xao trong gió và những con kênh nhỏ chạy dọc cánh đồng làng khiến chúng tôi cảm thấy bình yên đến lạ. Đây đó, bỗng cất lên tiếng chim lảnh lót rồi mất hút vào khoảng không xa thẳm. Đến đầu làng, hỏi thăm nhà chị Dung, vợ anh Cường - lính đảo Trường Sa, ai cũng biết. Một cháu nhỏ còn tận tình dẫn chúng tôi đến tận cổng nhà chị. Nhưng chưa kịp cảm ơn thì quay ra, cậu bé đã đi mất tự bao giờ.

Trước mặt chúng tôi là ngôi nhà nhỏ cũ kỹ với chiếc sân rộng và một cây rơm vàng óng. Từ trong nhà, vọng ra tiếng trẻ con bi bô tập nói. Người mẹ trẻ tất tả xúc ngô ra sân phơi, nhưng vẫn không rời mắt khỏi đứa con đang chập chững tập đi…

Anh chị quen nhau trong một lần anh được về nghỉ phép. Chồng chị, anh Nguyễn Thái Cường (Khẩu đội trưởng P.37, đảo Trường Sa Lớn) đã gắn bó với Trường Sa hơn 11 năm. Đám cưới được tổ chức sau đó 2 tháng (11/2009) và cũng 2 tháng sau, anh phải ra đảo. Từ bấy đến nay, anh chưa một lần được về thăm nhà. Người vợ trẻ về nhà chồng chưa hết bỡ ngỡ đã phải một mình gánh vác mọi việc lớn nhỏ trong nhà.

 Chị Trần Thị Dung

Tháng 6/2010, mẹ chồng chị mất sau một trận ốm nặng. Đứa con trai nơi đảo xa chỉ còn biết khóc và đứng lặng cả ngày trước biển để gửi nỗi đau vào lòng biển sâu. Chưa hết, đứa con gái nhỏ của anh chị bị mắc bệnh tim bẩm sinh và phải tiến hành phẫu thuật vào tháng 8/2010. Khó khăn, vất vả là vậy, song chưa bao giờ chị kêu ca, phàn nàn một lời. Bởi chị biết nơi đầu sóng ngọn gió, anh còn vất vả, khó khăn hơn nhiều.

Mỗi lần gọi điện về, anh vẫn bảo chị, em là ngọn hải đăng soi đường cho anh đấy. Khi ấy, chị chỉ cười - nụ cười rạng ngời hạnh phúc, dù chị đã nghe câu nói ấy không biết bao nhiêu lần. Chị biết, anh vững tin vào chị và chính niềm tin ấy đã giúp anh vượt qua bao sóng gió. Mỗi chiều, chị lại có thói quen bế con ra đầu ngõ ngóng chồng. Ở nơi đảo xa, anh cũng gửi nỗi nhớ chị qua muôn trùng con sóng. Biển cả bao la như đong đầy nỗi nhớ thương của hai người.

Chị giở cho chúng tôi xem ảnh cưới của hai vợ chồng. Đứa con gái nhỏ thấy vậy dù đang mải mê với đống đồ chơi cũng vội quay ra lấy một tấm ảnh và chỉ vào đó, bập bẹ “ba, ba”. Trong ảnh, anh Cường đang đứng trước biển với bộ quần áo hải quân và nụ cười tươi rói. Rồi chị nhận được điện thoại của chồng. Giọng chị chợt như reo lên khi nghe anh báo tin Tết này sẽ được về với gia đình. Niềm vui như vỡ òa cùng những giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài trên má…

Rời ngôi nhà nhỏ đơn sơ nhưng ấm áp, tôi thấy lòng mình xốn xang đến lạ. Mọi vật trước mắt như bừng sáng. Có lẽ, niềm vui của chị tràn sang cả tôi và chưa bao giờ, tôi thấy những phút giây sum họp lại ý nghĩa đến thế. Xa xa, những làn khói bếp nhè nhẹ vương vất trên những cây rơm mới. Nhà ai đó đã nổi lửa để chuẩn bị bữa cơm chiều…

“Đảo” quê hương

Tạm biệt Mỹ Đức, chúng tôi trở về một con ngõ nhỏ trên phố Đào Tấn, Hà Nội để gặp chị Bùi Thị Tuyết, vợ anh Lê Văn Bảo (Tiểu đoàn 451, Vùng 4 Hải quân, Cam Ranh, Khánh Hòa). Câu chuyện về một người phụ nữ đất Hà Thành lấy chồng 27 năm nhưng chỉ được ở cạnh chồng vỏn vẹn chưa đầy 4 năm (nếu tính cộng số lần được nghỉ phép của anh) của một đồng nghiệp bên Báo Hải Quân đã thôi thúc chúng tôi tìm gặp chị.

Dẫn chúng tôi vào nhà, chị Tuyết cười bảo: “Nhà này anh ấy xây mỗi dịp được về nghỉ phép đấy. Mỗi năm xây một ít, thế rồi cũng xong”. “Còn cây khế này anh trồng vào một dịp về nghỉ Tết, không biết có phải vì thế mà Tết nào nó cũng sai quả không”, vừa nói chị vừa chỉ vào cây khế trĩu quả, lẫn vào tán lá xanh là những bông hoa tím li ti. Nghe chị nói và cảm nhận niềm tự hào hiện rõ trên ánh mắt của người vợ mỗi lần nhắc đến chồng, tôi tưởng như không phải anh đang ở cách xa chị hàng nghìn kilomet, mà luôn hiện hữu trong cuộc sống của ba mẹ con chị.

Nhưng có lẽ, ấn tượng nhất với chúng tôi là những bức thư của hai người được chị cất giữ cẩn thận trong ngăn tủ, có lẽ phải vài trăm bức. Chị đùa bảo, đó là gia tài lớn nhất mà chị có được khi làm vợ một người lính hải quân. Có những bức thư đã nhòe mực vì nước biển nhưng tôi vẫn cố lần đọc bởi sự cuốn hút của những lời yêu thương ăm ắp trong từng câu chữ. “Từ bữa xa em tới giờ đã một tháng rồi mà có đêm nào là ngủ trọn được đâu. Anh cố phóng tầm mắt để tìm những gì xa xăm hơn bóng tối. Chỉ có sao trời, sao biển, anh tìm sao Bắc cực, tìm hướng quê hương nơi em và những người thân anh đang sống – đảo quê hương”.

Ngày chị sinh đứa con đầu lòng, anh đang ở Côn Đảo, 3 tháng sau mới được về thăm con. Chị phải một mình khăn gói đến nhà hộ sinh. Đến khi sinh đứa thứ hai, anh cũng không được ở bên chị. Vậy nhưng hai đứa con chị vẫn ngoan ngoãn, học giỏi và không thấy thiếu vắng sự quan tâm, chăm sóc của người cha. “Bố cháu dù ở xa nhưng những việc quan trọng, cháu đều hỏi ý kiến bố. Bố là mẫu người cháu hướng đến và trong mắt cháu, bố là một anh hùng” - Lê Bảo Anh, hiện đang học lớp 12, tự hào nói về bố mình.

“Năm ngoái, theo đúng lịch, anh Bảo được về Tết nhưng đến sát ngày về, anh lại phải ở lại vì có việc đột xuất. Năm nay, dù đã gần Tết, anh cũng chưa biết mình có được về hay không” - chị Tuyết nói, giọng như trùng xuống. Tôi biết, chị đang mong anh về biết nhường nào…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên