Việt Lang với tình quê hương

Âm nhạc của ông có sức lôi cuốn, thẩm thấu mạnh mẽ, làm rung động lòng người không chỉ trong những ca khúc trữ tình mà ngay cả trong những bài ca kháng chiến

Trong kháng chiến chống Pháp, quần chúng yêu nhạc đều biết đến bút danh Việt Lang ghi trên một loạt các bài hát được nhiều người yêu thích như “Tình quê hương”, “Đoàn quân đi”, “Mùa không biên giới”, “Đàn xuân”, “Bài ca quốc tế lao động”.

Âm nhạc của ông có sức lôi cuốn , thẩm thấu mạnh mẽ, làm rung động lòng người không chỉ trong những ca khúc trữ tình lãng mạn mà ngay cả trong những bài ca kháng chiến, đầy sức hiệu triệu, khơi dậy tinh thần yêu nước, chiến đấu vì tổ quốc của mỗi người dân đất Việt. Bút danh Việt Lang cũng đã nói hộ phần nào tình yêu của ông đối với quê hương, đất nước bởi  Việt Lang có nghĩa là chàng trai đất Việt. Và chàng trai đất Việt ấy luôn đau đáu làm thế nào để có thể cống hiến hết sức mình cho quê hương, cho Tổ quốc.

Nghe ca khúc “Đoàn quân đi”
Thiếu tướng Bắc Việt  trình bày.

Nhạc sĩ Việt Lang sinh năm 1927 tên khai sinh là Lê Quý Hiệp vốn dòng dõi nhiều đời của nhà bác học Lê Quý Đôn, quê ở Thái Bình. Thủa nhỏ, ông theo gia đình lên Hà Nội và học tại trường EPSI nay là trường Chu Văn An. Kiến thức âm nhạc để ông có thể viết những bài hát nổi tiếng là nhờ thụ học ở trường và tự học.

Sau khi kháng chiến bùng nổ, tháng 12 năm 1946 ông gia nhập quân đội, trung đoàn 44 ở mặt trận đường số 5 chiến khu 3. Đây cũng là thời gian sáng tác sung sức của nhạc sĩ Việt Lang với những ca khúc đầy nhiệt huyết kháng chiến, cùng hành quân với người lính trên khắp các nẻo đường như “Đoàn quân đi”, “Tình quê hương”, “Những hình bóng qua”, “Mùa không biên giới”, “Bài ca quốc tế lao động”.

Ngay trong tác phẩm đầu tay “Chiều Yên Thế” viết năm 1945, nhạc sĩ Việt Lang đã thể hiện tố chất và khả năng sáng tạo nghệ thuật của mình. Bài hát ngay khi ra đời đã được ấn hành và sau đó trở thành nhạc hiệu của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bắc Giang. Thành công ban đầu đã tạo đà cho Việt Lang phát huy khả năng sáng tạo của mình và đưa ông lên một cung bậc mới với “Bài ca Cách mạng tháng 8” được in trên báo cứu quốc vào ngày 19/8/1946 với lời tựa trân trọng của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước “Đây là bài anh hùng ca ghi một trang sử oanh liệt của dân tộc Việt”. Với bài hát này, từ đây tên tuổi của Việt Lang đã được khẳng định trong làng nhạc Việt mới buổi đầu sơ khai.

Nghe ca khúc “Tình quê hương”

Tiếp nối bản hùng ca này, nhạc sĩ Việt Lang đã viết một ca khúc trữ tình mang màu sắc của dòng ca khúc lãng mạn trước năm 1945, bài “Tình quê hương”. Tác phẩm ngay khi ra đời đã có sức lan tỏa rộng rãi trong quần chúng nhân dân bởi nét nhạc da diết, thấm vào nỗi nhớ thương của mỗi người con đất Việt khi hướng về quê hương.

Việt Lang sáng tác bằng nhạc cảm rung lên từ chính tâm hồn và con tim mình. Tuy vậy, mỗi tác phẩm của ông đều mang một cá tính riêng, độc đáo, không đi vào lối mòn trong tư duy sáng tác. Mỗi ca khúc của ông đều đem lại một cảm xúc khác nhau, truyền cho người nghe lòng nhiệt huyết, tình yêu quê hương đất nước, yêu con người.   

Nghe ca khúc “Mùa không biên giới”
NS Thanh Vinh trình bày

Mùa xuân năm 1949, nhạc sĩ Việt Lang viết lại một cảm xúc quê hương sau cái tang của người cha qua bài hát “Cầu cau”. Giữa lúc năng lực sáng tạo tràn đầy, thì do hoàn cảnh gia đình, Việt Lang đã phải từ giã ánh hào quang của một nhạc sĩ nổi tiếng để chuyển sang ngành giáo dục, trở thành nhà giáo Lê Huy phụng sự nghề trồng người.

Hòa bình lập lại ở miền Bắc, thầy giáo Lê Huy về Hà Nội và tiếp tục làm nghề dạy học. Năm 1985, ông làm trưởng đoàn chuyên gia giáo dục tại thủ đô Luanda (Angola) trực tiếp dạy môn Tâm lý học bằng tiếng Bồ Đào Nha. Bên cạnh việc dạy học, ông còn viết báo và dịch sách văn học từ tiếng Pháp.

Sau khi về hưu, ông vẫn tham gia làm việc tại cơ quan UNESCO tại Hà Nội. Dù đã bỏ dang dở sự nghiệp âm nhạc, Việt Lang vẫn rất yêu, rất say mê sáng tác. Với bút danh Huy Lê, ông đã viết những ca khúc như “Chúc mừng năm mới”, “Chào mừng ASEM”...

Cho đến lúc này, nhiều người vẫn không biết rằng Huy Lê chính là chàng nhạc sĩ Việt Lang tài hoa ngày nào. 

Nghe ca khúc “Đàn xuân”
Ca sĩ Mỹ Linh trình bày

Cho đến những ngày cuối đời chống trọi với căn bệnh ung thư, nhưng chàng trai đất Việt ngày nào vẫn vui vẻ lạc quan. Chân lý sống mà ông đã ghi lại nắn nót trong cuốn sổ nhạc cũ của mình là “Trong sạch-cố gắng” đã được ông thực hiện một cách trọn vẹn cho đến tận những giây phút cuối của cuộc đời. Ông không nhận mình là nhạc sĩ nhưng những tác phẩm của ông đã ghi dấu ấn trong nền ca khúc Việt Nam giai đoạn đầu chống Pháp- một nhạc sĩ Việt Lang tài năng, một con người dung dị, khiêm tốn và một nhân cách đáng để con cháu noi theo./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên