Tết Nguyên đán

Tết Nguyên đán diễn ra từ ngày mồng 1 đến ngày mồng 3 tháng Giêng hàng năm. Đây là dịp để gia đình, họ hàng, hàng xóm, người thân xa gần sum họp, đoàn tụ, thăm hỏi, cầu chúc nhau và tưởng nhớ, tri ơn ông bà, tổ tiên.

Tết Nguyên đán hay Tết Cả là lễ hội truyền thống lớn nhất, lâu đời nhất, có phạm vi phổ biến rộng nhất, từ Nam Quan đến Cà Mau và cả vùng hải đảo, tưng bừng và nhộn nhịp nhất của dân tộc. Từ những thế kỷ xa xưa thời Lý, Trần, Lê, ông cha ta đã cử hành lễ tết hàng năm một cách trang trọng.

Tết Nguyên đán là khâu đầu tiên và quan trọng nhất trong hệ thống lễ hội Việt Nam, mà phần lễ cũng như phần hội đều rất phong phú cả nội dung cũng như hình thức, mang một giá trị nhân văn sâu sắc và đậm đà.

Việc ông cha ta xác định Tết Cả đúng vào thời điểm kết thúc một năm cũ, mở đầu một năm mới theo âm lịch, làm ngày hội lớn của một chu kỳ vận hành vũ trụ, đã phản ánh tinh thần hòa điệu giữa con người với thiên nhiên (đất - trời - sinh vật) chữ NGUYÊN có nghĩa là bắt đầu, chữ Đán có nghĩa là buổi ban mai, là khởi điểm của năm mới. Đồng thời, Tết cũng là dịp để gia đình, họ hàng, hàng xóm, người thân xa gần sum họp, đoàn tụ, thăm hỏi, cầu chúc nhau và tưởng nhớ, tri ơn ông bà, tổ tiên.

Xét ở góc độ mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Tết - do thời tiết thuận theo sự vận hành của vũ trụ, biểu hiện ở sự chu chuyển lần lượt các mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông - có một ý nghĩa đặc biệt đối với một xã hội mà nền kinh tế vẫn còn dựa vào nông nghiệp làm chính.

Ngày tết gia đình sum họp cầu chúc sức khỏe và may mắn trong năm mới.

Theo tín ngưỡng dân gian bắt nguồn từ quan niệm “Ơn trời mưa nắng phải thì”, người nông dân còn cho đây là dịp để tưởng nhớ đến các vị thần linh có liên quan đến sự được, mất của mùa màng như thần Đất, thần Mưa, thần Sấm, thần Nước, thần Mặt trời… Người nông dân cũng không quên ơn những loài vật, cây cối đã giúp đỡ, nuôi sống họ, từ hạt lúa đến trâu bò, gia súc, gia cầm trong những ngày này.

Về ý nghĩa nhân sinh của Tết Nguyên đán, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng trước hết đó là Tết của gia đình, Tết của mọi nhà. Người Việt Nam có tục hàng năm mỗi khi Tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu, kể cả những người xa xứ cách hàng ngàn km, vẫn mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong 3 ngày Tết, được khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, nhìn lại ngôi nhà thờ, ngôi mộ, giếng nước, mảnh sân nhà, nơi mà gót chân một thời bé dại đã tung tăng và được sống lại với bao kỷ niệm đầy ắp yêu thương ở nơi mình cất tiếng chào đời. “Về quê ăn Tết”, đó không phải là một khái niệm thông thường đi hay về, mà là một cuộc hành hương về nơi cội nguồn, mảnh đất chôn rau cắt rốn.

Theo quan niệm truyền thống của người Việt Nam, ngày Tết đầu xuân là ngày đoàn tụ, đoàn viên, mối quan hệ họ hàng, làng xóm được mở rộng ra, ràng buộc lẫn nhau thành đạo lý chung cho cả xã hội: tình gia đình, tình thầy trò, con bệnh với thầy thuốc, ông mai bà mối đã từng tác thành đôi lứa, bè bạn cố tri, con nợ và chủ nợ… Tết cũng là dịp “tính sổ” mọi hoạt động của một năm qua, liên quan vui mừng chào đón một năm mới với hy vọng tốt lành cho cá nhân và cho cả cộng đồng.

Tết Cả và lễ hội truyền thống mang tính toàn dân, cho nên đến những ngày cuối năm, hầu như mọi hoạt động xã hội đều hướng về Tết, chuẩn bị cho Tết. Các ngành các cấp đều có kế hoạch phục vụ cho ngày hội đặc biệt này, từ thương nghiệp đến giao thông vận tải, từ văn hóa đến an ninh công cộng, đặc biệt các ngành dịch vụ.

Các công sở, xí nghiệp, công trường, trường học tùy theo vị trí, chức năng của mình mà có kế hoạch tham gia Tết, đồng thời giải quyết những nhu cầu đặt ra trong nội bộ của đơn vị, ví như vấn đề nghỉ phép về quê ăn Tết của cán bộ, nhân viên, học sinh…

Nhưng rõ nét nhất là không khí chuẩn bị Tết của từng gia đình. Bước vào bất cứ nhà nào trong thời điểm này, cũng có thể nhận thấy ngay không khí chuẩn bị Tết nhộn nhịp, khẩn trương, từ việc mua sắm, may mặc đến trang trí nhà cửa, chuẩn bị bánh trái, cỗ bàn, đón tiếp người thân ở xa về… Đối với các gia đình lớn, họ hàng đông, có quan hệ xã hội rộng, đông con cháu, dâu rể, thì công việc chuẩn bị càng phức tạp hơn.

Theo tập tục, đến ngày 23 tháng Chạp là ngày đưa tiễn Ông Táo về trời để tâu việc trần gian, thì không khí Tết bắt đầu rõ nét. Ngày xưa dưới thời phong kiến, từ triều đình đến quan chức hàng tỉnh, hàng huyện đều nghỉ việc sau lễ “Phất thức” (tức lễ rửa ấn, rửa triện).

Ở cấp triều đình, trong lễ này có sự hiện diện của nhà vua, các quan triều đều mặc phẩm phục uy nghiêm. Xem thế đủ biết rằng ngày Tết được coi trọng như thế nào. Sau đó, các quan cất vào tủ, niêm phong cẩn thận. Không một văn bản nào được kiềm ấn, mọi pháp đình đều đóng cửa. Con nợ không thể bị sai áp, các tội tiểu hình không bị trừng phạt, tội nặng thì giam chờ đến sang ngày mồng 7 tháng giêng (lễ khai hạ) mới tiến hành giải quyết. Như vậy, Tết Cả kéo dài từ ngày 23 tháng chạp (một tuần trước giao thừa) đến mồng 7 tháng giêng (một tuần sau giao thừa).

Nay, trong thời hiện đại, việc tổ chức nghỉ Tết, vui Tết được quy định hợp lý, khoa học hơn, vừa văn minh, lịch sự, không lãng phí thời gian, phù hợp với nếp sống công nghiệp, vừa bảo lưu và kế thừa được những nét đẹp truyền thống.

Từ quan niệm Tết Cả trước hết là Tết của gia đình, nên ai cũng có ý thức trang hoàng nhà cửa của mình sao cho sạch, đẹp trong những ngày đầu năm để đón Chúa Xuân. Đặc biệt, phải chú ý đến bàn thờ ông bà tổ, tiên.

Mọi vật thờ được lau chùi cẩn thận, nếu là đồ bằng đồng, thau thì đem đi đánh bóng lại, đèn nhang, lọ cắm hoa được sắp sẵn. Ngoài tranh Tết, còn có câu đối Tết mang nội dung chúc phúc, mong sự an vui, tiến bộ. Xưa, từ nông thôn đến thành thị đều có thói quen treo tranh dân gian vào dịp Tết, ngày nay lại có thêm lịch tờ in tranh phong cảnh và người đẹp.

Cùng với tục chơi tranh, câu đối ngày Tết, còn có tục chơi hoa, chơi quả. Xuất phát từ nhu cầu phổ biến này, vào những ngày giáp Tết, các chợ hoa được hình thành ở các thành phố lớn, thị xã, thị trấn, khu công nghiệp. Chợ chỉ hình thành nên trong vài ba ngày cuối năm và đến chiều 30 Tết thì kết thúc.

Loài hoa “chủ thể” của ngày Tết ở miền Bắc là hoa đào, còn ở miền Nam là hoa mai vàng. Song song với tục chơi hoa Tết, người ta còn chơi quất kiểng. Những cây quất cao hơn một mét, trĩu quả từ ngọn đến gốc, vàng mọng đặt nơi phòng khách không chỉ tôn thêm sự sang trọng, đẹp mắt, mà còn là biểu tượng của sự sung mãn, trù phú. Ở miền Nam, cây quất được gọi là cây tắc, nhiều nơi còn gọi là cây hạnh, ý muốn nói cây mang lại nhiều may mắn, hạnh phúc.

Nói đến tục chơi quả, còn phải kể đến mâm ngũ quả đặt nơi bàn thờ ông bà. Thông thường, mâm ngũ quả gồm: một nải chuối xanh, một quả bưởi hay quả phật thủ, vài quả cam hay quả quýt, mấy quả hồng, năm ba quả quất. Mâm ngũ quả ở miền Nam thường có thêm các loại quả như mãng cầu xiêm, dừa xiêm, đu đủ, xoài xanh, thơm, một nhành sung.

Thường thì số quả hay vượt quá con số 5. Ở đây số lượng không quan trọng, mà cần chú ý đến sự phối hợp các màu sao cho hài hòa, làm tôn thêm vẻ đẹp của mâm quả.

Tết là dịp mọi người nghỉ ngơi, vui chơi, thăm viếng bà con, bạn bè ở xa gần, dự hội hè, tiếp khách… vì vậy cần có nhu cầu mặc đẹp, trang điểm. “Chẳng phong lưu cũng ba ngày Tết”, nên ai cũng cố gắng may sắm quần áo, khăn, mũ, giày dép mới, nhất là đối với người dân quanh năm chân lấm tay bùn.

Bộ đồ mới đối với trẻ con để chơi Tết, vui với bạn bè là một yêu cầu không thể thiếu được. Ngày xưa, khi kỹ nghệ sản xuất thương hiệu bằng hóa chất tổng hợp chưa thịnh hành, người phụ nữ Việt Nam trong ngày Tết dùng nước thơm từ thảo mộc để tắm gội như rửa mặt bằng nước mùi, gội đầu bằng nước hương bài, vừa để làm đẹp cơ thể, vừa làm thanh khiết tâm hồn.

Trong những tập tục ngày Tết, nổi bật hơn cả là tục đốt pháo. Từ nhà giàu đến nhà nghèo, ai cũng mua vài bánh pháo Tết. Người giàu, người gặp vận may thường đốt nhiều pháo, dây pháo dài hơn.

Tiếng pháo mang ý nghĩa xua tan tà khí, điềm xấu, tống tiễn cái cũ. Tiếng pháo nổ là “diễn từ” sinh động nhất, hùng hồn nhất, nói lên niềm hân hoan, nỗi vui mừng, hy vọng. Tiếng pháo biểu hiện sự lạc quan, hưng phấn của tâm hồn. Tiếng pháo giao thừa là tiếng cười dòn tan đón mừng Chúa Xuân.

Không chỉ có tiếng pháo nổ mới là tín hiệu của mùa xuân đang đến, mà cả xác pháo hồng tươi trên sân, trước cổng nhà ngày mồng một Tết cũng chứa ẩn một tiếng nói riêng về niềm vui và hạnh phúc.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đốt pháo đã trở thành một hiện tượng không bình thường trong dịp Tết, đã gây nên một sự lãng phí to lớn (hàng chục tỷ đồng tan thành xác pháo), làm ô nhiễm môi trường và gây nên thương tích, kể cả chết người, cùng bao nhiêu điều phiền toái khác cho xã hội. Thể theo nguyện vọng của đa số dân chúng, để đảm bảo sự an toàn và yên vui cho mọi nhà trong ngày Tết, Chính phủ đã ban hành lệnh cấm đốt pháo từ Tết năm 1995. Thay vào pháo nổ có đốt pháo hoa, vừa văn minh, vừa lịch sự, an toàn.

Không kể những chợ đặc biệt như chợ hoa ngày Tết chỉ xuất hiện trong vài ba hôm trong một năm. Chợ Tết, dù ở nông thôn hay thành thị, bao giờ cũng là những phiên chợ đông vui nhất, hàng hóa nhiều chủng loại và phong phú nhất, đặc biệt những mặt hàng phục vụ cho nhu cầu Tết như thực phẩm, bánh, mứt, kẹo, trái cây, rượu, thuốc lá, chè, văn hóa phẩm, áo quần may sẵn, đồ chơi trẻ con.

Nhưng khác với chợ thường ngày, chợ Tết thường rất đông người, không đơn thuần vì lý do mua bán, trao đổi, dù rằng các bà nội trợ bao giờ cũng phải đi phiên chợ cuối năm vào các ngày 28, 29 (vì từ mồng 1 đến mồng 3, chợ không họp) để sắm sửa thực phẩm, rau củ dự trữ.

Đi chợ Tết đối với nhiều người, nhất là nam nữ thanh niên và trẻ em, còn là một cách vui chơi, đi để xem người, xem cảnh sinh hoạt Tết, hoặc mua vài vật kỷ niệm để tặng bạn bè.

Đối với mỗi gia đình, lễ cúng tất niên trưa, hoặc chiều ngày 30 có một ý nghĩa quan trọng. Lúc này,  mọi việc chuẩn bị, lo cho ngày tết đã xong xuôi. Những người thân trong gia đình vì sinh kế, vì công việc phải sống ở xa, đến giờ này cũng đã tề tựu đông đủ.

Trên bàn thờ ông bà, đèn nhang được thắp sáng, mâm cúng đã được đặt lên một cách trang nghiêm. Người chủ gia đình đọc lời khấn ông bà, tổ tiên về chung vui cùng con cháu. Trong tâm thức mọi người, lễ cúng tất niên trong gia đình là cuộc họp mặt đông đủ giữa người chết và người sống sau một năm. Hết tuần hương, mâm cỗ được dọn xuống, cả nhà quây quần xung quanh cỗ bàn ăn uống, hàn huyên vui vẻ trong không khí thân tình, ấm cúng. Sau đó, mọi người nghỉ ngơi, tắm rửa chuẩn bị đón giao thừa.

Giao thừa là thời điểm thiêng liêng, lúc Đất - Trời giao cảm. Mọi người chờ đón Chúa Xuân tiếng pháo đì đùng khắp đó dây. Cái khoảnh khắc ấy đến cùng với những tràng pháo nổ râm ran từ nhà này sang nhà khác, từ xóm này sang xóm khác, kéo dài hàng tiếng đồng hồ.

Tuỳ theo từng nhà, những hộp bánh được mở ra cùng với những chén trà đầu xuân bốc khói thơm ngào ngạt, hoặc những chai rượu Tết được khui ra, và mọi người nâng cốc chúc nhau sức khoẻ, sự thành đạt cùng hy vọng tốt lành của một năm mới. Kể từ giờ phút này, Tết Nguyên đán bắt đầu.

Năm mới đã bắt đầu từ giờ phút đón giao thừa, nhưng mọi hoạt động của con người phải chờ đến sáng mồng một.

Theo quan niệm cổ truyền, ngày Nguyên Đán đánh dấu một cái gì thiêng liêng của bước mở đầu liên quan đến hạnh phúc riêng tư, vận hạn của cá nhân hay gia đình được, mất, thành công hay thất bại… Cho nên từ sáng mồng một, mọi người chỉ nói với nhau những lời hay, ý đẹp, gặp nhau chúc mừng, hy vọng. Bao điều không vui, không vừa lòng được bỏ sang một bên. Ngay chuyện vay mượn, tiền nong, vì lý do nào đó không thanh toán được, thì cũng để sau ngày hạ nêu (ngày 7 tháng Giêng) mới nhắc đến.

Từ quan niệm trên, cho nên các cụ ngày xưa mong người đến nhà mình đầu tiên sáng mồng một - gọi là xông nhà, xông đất - phải là người tử tế, hiền hành, tốt nết, có đức độ, như vậy sẽ tránh được sự xúi quẩy cả năm cho gia đình. Con cháu trong nhà cũng được dặn dò không được vội vã đi chơi, đi thăm nhà ai, chừng nào chưa có người đến xông nhà, xông đất.

Đi đôi với tục xông nhà là tục mừng tuổi. Sáng mồng một, ông bà, cha mẹ mừng tuổi cho cháu năm ba hào, một đồng bạc. Tiền mừng tuổi mang ý nghĩa tượng trưng hơn là giá trị thực của nó. Mừng tuổi phải chọn tiền mới. Khách đến chơi nhà cũng mừng tuổi trẻ con. Trẻ con đến chơi nhà quen cũng được chủ nhà mừng tuổi cho. Đây cũng là nét đẹp truyền thống quý già mến trẻ của người Việt Nam.

Một số người vẫn giữ tục xuất hành vào sáng mồng một, nghĩa là đi ra khỏi nhà, khỏi cổng, phải chọn giờ tốt, hướng đi tốt. Các ông đồ xưa, các vị khoa bảng, người làm việc quan đều coi việc khai bút - viết những dòng chữ đầu tiên - là hệ trọng. Ngày nay, một số nhà văn, nhà thơ, những người làm nghề viết lách vẫn duy trì tục này.

Ngày Tết là dịp nghỉ ngơi, vui chơi, thăm viếng, chúc tụng nhau. Lịch phân bố thời gian vui xuân như đã thành nếp: “Mồng một thì ở nhà cha, mồng hai nhà mẹ, mồng ba nhà thầy”. Nhà cha chỉ bên nội, nhà mẹ chỉ bên ngoại, nhà thầy chỉ thầy dạy chữ, kể cả thầy thuốc, và thầy dậy nghề, dạy võ… Câu ấy như nhắc nhở mọi người sống trọn nghĩa vẹn tình với tổ tiên, ông bà nội ngoại, cha mẹ, luôn luôn biết ơn các thầy, những ân nhân của mình. Sau đó mới đến bạn bè, hàng xóm, láng giềng.

Tết là những ngày vui chơi, ăn uống, tiếp đãi bạn bè. Khách đến nhà, phải đón tiếp ân cần, nồng hậu. Gia chủ phải mời trầu thuốc, nước nôi, uống rượu, ăn bánh, ăn cỗ. Thú vị nhất là được gặp lại người thân, bạn bè lâu ngày xa cách. Những món ngon, vật lạ dành cho Tết được dịp mang ra mời khách. Đó cũng là nét đẹp truyền thống của người Việt Nam. Lại có câu: “Mồng một chơi ngõ, mồng hai chơi xóm, mồng ba chơi đình”.

Ở nông thôn ngày trước, đình làng là trung tâm của các cuộc hội họp, cuộc vui chơi. Chơi đình có nghĩa là dự hội làng. Hầu như các trò chơi ở các lễ hội trong năm đều có mặt trong dịp Tết như đánh cờ, đấu vật, chơi đu, thể thao “Vui như Tết” - thành ngữ này nói lên tính chất của ngày hội đầu xuân. Tuỳ theo sở thích, thú vui của từng lứa tuổi mà chọn trò chơi hợp ý nhất.

Cuộc vui xuân cứ thế tiếp diễn từ mồng một cho đến mồng ba. Chiều mồng ba, nhà nào cũng nấu mâm cơm để làm lễ tiễn đưa ông bà. Thế là chấm dứt thời gian Tết.

Từ sáng mồng 4, các công sở, chợ búa bắt đầu hoạt động trở lại bình thường. Tuy nhiên trong thực tế, dư âm của Tết vẫn còn đọng lại, kéo dài cho đến lễ khai hạ (mồng bảy, hạ nêu). Xưa, thời phong kiến, đến mồng 7 các cấp chính quyền mới chọn giờ tốt để làm lễ khai ấn.

Có thể nói, Tết Nguyên đán là một cuộc sơ kết từng chặng nhỏ cuộc đời con người – con người cá thể cũng như con người cộng đồng – với đơn vị là năm tính theo âm lịch. Tết đồng thời cũng là dịp cầu mong để vươn tới sự hưng thịnh toàn diện cho từng con người cũng như toàn cộng đồng, trong đó các tập tục và đạo đức cổ truyền mang giá trị nhân văn và thẩm mỹ cao của dân tộc được gìn giữ và không ngừng phát huy. Tết cùng tục đón xuân, vui xuân là một phần tài sản văn hoá - tinh thần truyền thống mà chúng ta ngày nay đang kế thừa./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên